Chào và bắt tay phải nhìn vào mắt
Ở bất cứ nơi đâu, việc chào hỏi là thứ đầu tiên và quan trọng nhất trong phép tắc ứng xử. Tại châu Âu, chào là một câu cửa miệng. Họ chào nhau ngay cả khi không quen biết.
Lời chào thể hiện sự thân thiện, lịch thiệp, sự tôn trọng hay kính trọng người đối diện. Khi chào nhau, người ta không được lạnh lùng, song cũng không cần nồng nhiệt thái quá mà nên nở một nụ cười, nhìn vào mắt nhau và có thể hơi cúi đầu. Đàn ông nên cúi đầu rõ rệt hơn phụ nữ. Ở trong nhà, việc cúi đầu cũng được làm nhiều hơn ngoài đường. Không nên vừa chào vừa hút thuốc hay đút tay vào túi quần.
Nguyên tắc trên dưới
Ai chào ai trước, đó là nguyên tắc đầu tiên khi chào hỏi. Cũng như ở Việt Nam, người nhỏ tuổi chào người lớn tuổi, cấp dưới chào cấp trên, nhưng tại châu Âu, còn một yếu tố khác tạo ra các ngoại lệ, đó là giới tính. Đàn ông phải là người chào phụ nữ trước, kể cả phụ nữ đó là người cấp dưới hay ít tuổi hơn. Phụ nữ khi đó nên đáp lại bằng một nụ cười. Nếu cô ấy đội mũ, cũng không cần cởi.
Điều này cho thấy những người chào trước thường là người có vị trí thấp hơn trong xã hội. Tuy nhiên, chúng ta không nên áp đặt nó trong một số trường hợp, ví dụ hai người cùng tuổi, cùng giới tính và cùng một vị trí xã hội như nhau. Người chào trước ở đây có thể hiểu là người lịch thiệp hơn.
Cái bắt tay nói lên tính cách
Bắt tay
Đi kèm lời chào nên là cái bắt tay thân thiện. Nếu chỉ gặp nhau lướt qua hoặc ở nơi quá nhiều người thì không nên. Trong các trường hợp còn lại, cái bắt tay còn nói lên tính cách con người. Những cái bắt tay lỏng lẻo, mắt không nhìn thẳng vào nhau thường thể hiện người này không có nhu cầu trò chuyện. Chính vì thế, ở nghiều nghề nghiệp, ví dụ như kinh doanh, người ta còn được học để bắt tay đúng mực sao cho vừa đủ thân thiện mà không xô bồ nhưng cũng không quá thờ ơ.
Ai đưa tay ra bắt trước, phép tắc trong trường hợp này lại đi ngược với lời chào. Những người ở vị trí cao hơn trong xã hội thường đưa tay ra đầu tiên, nghĩa là cả phụ nữ. Phái yếu lúc đó còn được quyền đeo găng tay trong khi đàn ông thì không.
Chốn công cộng
Điều quan trọng nữa trong văn hóa phương Tây là lời chào ở những nơi công cộng. Với những nơi phạm vi nhỏ mà người ta có thể nhận thấy nhau thì nên chào. Ví dụ như vào cửa hàng, phòng chờ bệnh viện, cầu thang máy. Với các phương tiện giao thông thì khi lên người ta không cần chào, nhưng khi ngồi xuống ghế cạnh ai đó cũng như lúc bỏ đi, nếu muốn giữ lịch sự thì cũng nên chào một cách xã giao.
Một nguyên tắc chung cho việc chào hỏi chốn công cộng nữa chính là khi cần bắt chuyện với ai thì hãy chào họ trước, kể cả khi hỏi đường. Tương tự với trường hợp mua hàng, mua vé xe.
Nghiêm Trang – vietinfo.eu
một nét văn hóa ứng sử bổ ích.tuy nhiên không khách sáo quá
Trả lờiXóa